Sáng 3/12, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án tham ô tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng S.C.B cùng một số cơ quan, tổ chức có liên quan, và thần chết đã chính thức gõ cửa, gọi tên bà Trương Mỹ Lan.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, cũng như thông qua việc xét hỏi các bị cáo tại tòa, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 16 năm về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt, bà Trương Mỹ Lan phải chấp hành chung là tử hình.
Thần chết gõ cửa từ giai đoạn xét xử sơ thẩm
So với bản án sơ thẩm, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà Lan được giảm 4 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng. Còn đối với tội tham ô tài sản và tội đưa hối lộ, tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên mức hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên với bà Lan.
Như vậy, đến thời điểm này, thần chết đã chính thức gõ cửa gọi tên bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, sau khi bản án có hiệu lực, nếu bà Trương Mỹ Lan tiếp tục khắc phục hậu quả, đủ 3/4 số tiền đã tham ô, thì bà Lan sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân.
Căn cứ giảm án cho bà Trương mỹ Lan
Theo dõi tin bài này, thính giả của Luật sư 360 có gửi câu hỏi, hỏi luật sư 360 như sau.
Mức 3/4 nói trên là do hội đồng xét xử đơn phương đưa ra điều kiện để xét giảm án cho bà Trương Mỹ Lan từ tử hình xuống chung thân, hay là điều kiện đã được quy định trong luật vậy, thưa luật sư?
Về thắc mắc này của bạn, Luật sư 360 xin giải đáp như sau:Mức khắc phục hậu quả 3/4 số tiền đã tham ô, để được xét giảm án ở trên là mức được pháp luật quy định, không phải là mức do hội đồng xét xử đơn phương đưa ra bạn nhé. Cụ thể, Điều 40 Bộ luật hình sự quy định của pháp luật như sau:
Điều 40. Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Để giải thích và hướng dẫn áp dụng quy định tại Khoản 3, điều 40 nói trên, ngày 30 tháng 12 năm 2020, Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP, trong đó Điều 5 của Nghị quyết này quy định như sau:
Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ
1. Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
2. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
3. Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Nếu có bất cứ vấn đề nào cần giải đáp, quý vị và các bạn hãy gửi câu hỏi về cho Luật sư 360 hoặc để lại bình luận phía dưới bài viết này hoặc trên các nền tảng khác của Luật sư 360 như Youtube, Tiktok, Facebook để được Luật sư giải đáp, hỗ trợ.
More Stories
Bắt giam bà trùm tín dụng đen Vi Thị Quỳnh
Siêu trộm phá két công ty chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Mức án của ông Đỗ Thắng Hải sao nhẹ vậy?