Quyền sử dụng đất đai có trước khi kết hôn có phải chia khi ly hôn. Anh Đỗ Quý Mạnh ở Quảng Xương, Thanh Hoá hỏi:
Năm 2010, bố mẹ tôi cho tôi một mảnh đất 300m2 để làm nhà, ra ở riêng. Năm 2011, tôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Năm 2012, tôi lấy vợ và sống cùng vợ tại thửa đất này. Năm 2020, vợ chồng tôi phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến ly thân. Vợ tôi sau đó bỏ về sống ở nhà bố mẹ đẻ của cô ấy.
Nay, vợ tôi muốn ly hôn và yêu cầu tôi phải chia một nửa thửa đất này cho cô ấy. Tôi không đồng ý nên vợ tôi đã làm đơn khởi kiện ra toà! Xin hỏi Luật sư, trường hợp này tôi có phải cắt thửa đất trên của mình để chia cho vợ khi vợ chồng tôi ly hôn không?
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Xin chào anh Đỗ Quý Mạnh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi cho Luật Sư Việt Nam. Về thắc mắc của anh, Luật sư Việt Nam xin trả lời và có một số lưu ý cho anh khi giải quyết công việc như sau:
Nguyên tắc giải quyết vấn đề về đất đai của vợ chồng khi ly hôn.
Thứ nhất: Nguyên tắc tự thoả thuận. Tức là, việc giải quyết tài sản do các bên tự thỏa thuận. Nếu không tự thỏa thuận được thì mới yêu cầu toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thứ hai: Nguyên tắc tài sản chung thì chia đôi, nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên, trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
Thứ ba: Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật. Nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Thứ tư: Nguyên tắc tài sản riêng của ai thì thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
Thứ năm: Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Xác định đất đai đang tranh chấp là tài sản riêng hay tài sản chung
Quay trở lại vấn đề mà anh Mạnh hỏi, dựa theo những nguyên tắc giải quyết vấn đề về tài sản của vợ chồng khi ly hôn, có thể thấy.
Trước hết, để xác định 300m2 đất và nhà nói trên của anh có phải chia cho vợ anh khi hai người ly hôn hay không, thì cần phải xác định đây là tài sản riêng của anh, hay đây là tài sản chung của vợ chồng anh. Nếu là tài sản riêng, thì trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng anh đã có thoả thuận nào về việc, nhập tài sản riêng này, vào tài sản chung hay chưa? Hoặc ngược lại, nếu là tài sản chung, thì hai người đã có thoả thuận nào xác lập lại chế độ tài sản hay chưa.
Dựa trên những thông tin mà anh đã cung cấp có thể dễ dàng xác định được, 300m2 đất cùng nhà ở trên đất đều là những tài sản mà anh được tặng cho, và tạo dựng trước khi kết hôn. Mặt khác, trước khi kết hôn, anh cũng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Quy định của pháp luật hiện hành
Như vậy, căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì quyền sử dụng 300m2 đất và nhà được anh xây dựng trên thửa đất này trước khi kết hôn, được xác định là tài sản riêng của anh. Do đây là tài sản riêng của anh nên theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, anh có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; có quyền quyết định nhập, hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 62 Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định rõ. Quyền sử dụng đất đai là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
Kết luận:
Đến đây, anh Mạnh đã hoàn toàn có thể yên tâm rằng trong trường hợp của anh, quyền sử dụng 300m2 đất và nhà ở trên đất mà anh đã xây dựng trước khi kết hôn là tài sản riêng của anh. Vậy nên, tài sản này sẽ không bị chia khi vợ chồng anh ly hôn.
Tuy nhiên, anh Mạnh cũng cần phải lưu ý: Nếu trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng anh đã tôn tạo, sửa chữa nhà hay xây dựng thêm công trình trên đất thì phần công sức đóng góp của vợ anh sẽ được tính đến và được pháp luật công nhận: Do vậy, tuỳ vào trường hợp cụ thể, toà án sẽ xác định giá trị phần công sức của vợ anh trong việc tôn tạo, sửa chữa, xây dựng đó để phân chia tài sản cho vợ anh bằng hiện vật hoặc buộc anh phải thanh toán phần chênh lệch, nếu giao toàn bộ tài sản cho anh quản lý, sử dụng.
Trên đây là toàn bộ phần trả lời của Luật Sư Việt Nam cho câu hỏi của anh Đỗ Quý Mạnh về phần chia quyền sử dụng đất đai là tài sản riêng khi vợ chồng ly hôn. Hi vọng, câu trả lời sẽ giúp ích được cho anh. Nếu có chỗ nào chưa hiểu, hoặc cần Luật sư giải đáp thêm, anh Mạnh và Quý bạn đọc, có thể để lại bình luận, hoặc tiếp tục gửi câu hỏi về cho Luật Sư Việt Nam để được Luật sư giải đáp thêm. Ngoài ra Quý bạn đọc cũng có thể tìm hiểu thêm các thông tin khác trên kênh Youtube của chúng tôi.
More Stories
Con rể có được chia thừa kế của bố mẹ vợ?
Tài sản của nhà chồng có được chia khi ly hôn
Mở cửa sổ nhìn sang nhà hàng xóm có phạm pháp?