Sáng 26/11, truyền thông trong nước thông tin: Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã bắt giữ hai cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk và một chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột để mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ và nhận hối lộ, xảy ra tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.
Thông tin ban đầu về vụ bắt giữ
Cụ thể, Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Ngày 25/11, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định tạm giữ hai cán bộ của cơ quan này để điều tra, do có liên quan đến một vụ án xảy ra ở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Danh tính của những người bị bắt cùng nội dung vụ việc có liên quan không được tiết lộ để bảo mật công tác điều tra.
Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết, trong quá trình làm việc, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ, tài liệu để mở rộng điều tra vụ ông Phạm Việt Cường, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, bị bắt để điều tra về hành vi nhận hối lộ hồi tháng 10 vừa qua.
Còn tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã bắt giữ một cán bộ Phòng Giám đốc kiểm tra về hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên thuộc Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
Cũng trong ngày 25/11, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk xác nhận Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã bắt giữ ông Tô Thành Trung, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột. Lý do ông Trung bị bắt giữ cũng chưa được cơ quan này tiết lộ.
Luật sư đoàn Đắk Lắk bị bắt
Trong một diễn biến khác, ông Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho biết Đoàn luật sư tỉnh này có nghe thông tin không chính thức về việc một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk bị bắt, nhưng chưa có thông tin cụ thể về danh tính cũng như nguyên nhân các luật sư này bị bắt.
Được biết, sau khi làm việc với các đơn vị có liên quan và bắt giữ một loạt cán bộ trên, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nhanh chóng đưa một số người lên xe chuyên dụng, ra thẳng sân bay về nơi giam giữ.
Liên quan đến vụ việc này, một thính giả của Luật sư 360 có hỏi: “Tại sao nhà chức trách lại không công khai danh tính cũng như hành vi phạm tội của những người bị bắt? Có cần thiết phải úp mở, cung cấp thông tin nửa vời như vậy không, thưa luật sư?”
Luật sư 360 xin trả lời thắc mắc của thính giả như sau: Có rất nhiều lý do để thời điểm này nhà chức trách chưa hoặc không công bố danh tính của những người bị bắt, bị tạm giữ. Dưới đây là ba lý do chính mà Luật sư 360 có thể hình dung, cung cấp thông tin, trao đổi với quý vị và các bạn.
Lý do chưa công khai danh tính người bị bắt
Thứ nhất: Thời điểm hiện tại, những người bị bắt giữ mới ở diện nghi vấn, đang bị tạm giữ để điều tra, cơ quan chức năng chưa có chứng cứ cụ thể chứng minh hành vi phạm tội của những người này. Do vậy, việc công bố danh tính có thể sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như sự nghiệp của những người này, nếu sau này họ được chứng minh là không có tội.
Thứ hai: Việc úp mở, không vội cung cấp thông tin của người bị bắt cũng như vụ việc có liên quan đến người bị tạm giữ có thể đánh động, khiến những người thực sự liên quan đến vụ án cảm thấy bất an, tò mò, nóng ruột tìm hiểu, từ đó để lộ chân tướng, giúp cơ quan điều tra có thể truy tìm, bắt giữ tội phạm.
Thứ ba là để bảo mật thông tin vụ án đang điều tra, không để những đối tượng có liên quan đến vụ án biết được đồng phạm của mình đã bị bắt, từ đó tẩu tán tài liệu, chứng cứ có liên quan, khiến việc điều tra vụ án bị rơi vào bế tắc, không thu giữ được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can.
Quý vị và các bạn nếu biết lý do nào khác, hãy để lại ý kiến của mình dưới phần bình luận của bài viết này hoặc trên các nền tảng khác của Luật sư 360 như Youtube, Tiktok, Facebook.
More Stories
Thần chết gõ cửa gọi tên bà Trương Mỹ Lan
Cán bộ sở xây dựng Đắk Nông dùng bằng cấp giả?
Truy tố cựu bí thư Lâm Đồng và nhiều cán bộ