Luật sư 360

Tư vấn pháp luật

Trang chủ » Hình sự » Ông Lưu Bình Nhưỡng cưỡng đoạt tài sản thế nào

Ông Lưu Bình Nhưỡng cưỡng đoạt tài sản thế nào

Nếu ông Lưu Bình Nhưỡng đóng vài trò tích cực trong nhóm côn đồ cưỡng đoạt tài sản thì mức hình phạt đối với ông Nhưỡng có thể sẽ rất cao.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu đại biểu Quốc hội thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản như thế nào là thắc mắc mà một số bạn đọc gửi về cho Luật sư Việt Nam.

Liên quan đến việc cựu đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố và bắt tạm giam sáng ngày 15/11 để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản, quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cưỡng đoạt tài sản như thế nào
Ông Lưu Bình Nhưỡng cưỡng đoạt tài sản như thế nào

Một số bạn đọc bày tỏ vẫn chưa hiểu, trong vụ án này, ông Nhưỡng đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản như thế nào. Theo thông tin báo chí đăng tải, số tiền mà nhóm Cường Quắt đã cưỡng đoạt của các doanh nghiệp là nhiều tỷ đồng. Vậy có phải hình phạt cho ông Nhưỡng và các bị cáo là rất nặng không?

Trường hợp của ông Lưu Bình Nhưỡng qua tìm hiểu Luật sư Việt Nam được biết, ông Nhưỡng bị cáo buộc là đồng phạm của nhóm giang hồ do Cường quắt cầm đầu, cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát ở Thái Bình.

Cụ thể, nhóm giang hồ này đã cưỡng đoạt tiền của các doanh nghiệp giá trị lên tới nhiều tỷ đồng. Với số tiền này, hành vi của các nhóm giang hồ trên, đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 4, Điều 170 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam.

Vai trò đồng phạm của ông Lưu Bình Nhưỡng?

Bị can Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc là đồng phạm. Tuy nhiên, ông Nhưỡng là đồng phạm với vai trò là người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, hay người giúp sức, thì hiện tại chúng tôi vẫn chưa có thông tin.

Để làm rõ trách nhiệm của ông Nhưỡng, cơ quan chức năng sẽ còn phải điều tra, xác minh rất nhiều tình tiết của vụ án thì mới có thể xác định được vai trò đồng phạm của ông Nhưỡng là ở mức độ nào.

Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự: Đồng phạm được hiểu là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần, hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Điều 58 Bộ luật hình sự quy định.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Nội dung này, mọi người có thể hiểu. tuy cùng là đồng phạm nhưng tuỳ vào mức độ, vai trò của từng bị can, bị cáo trong việc thực hiện tội phạm mà các bị cáo sẽ phải chịu các mức hình phạt khác nhau.

Như vậy, tại thời điểm này những người quan tâm đến vụ án vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền mới xác định được chính xác mức độ phạm tội của ông Nhưỡng là như thế nào.

Nếu ông Nhưỡng là đồng phạm có vai trò tích cực, thì mức hình phạt áp dụng đối với ông Nhưỡng có thể rất cao. Tuy nhiên, nếu ông Nhưỡng chỉ là đồng phạm với vai trò là người giúp sức và có vai trò không đáng kể, thì mức hình phạt mà ông Nhưỡng phải chịu có thể thấp hơn các bị cáo khác rất nhiều.

Ông Lưu Bình Nhưỡng có thể được áp dụng mức hình phạt thấp?

Khoản 2, Điều 54, Bộ luật hình sự quy định. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Theo thông tin mà báo chí cung cấp. Trong vụ án này, nhóm giang hồ mà Cường quắt cầm đầu không phải chỉ thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản một lần, đối với một doanh nghiệp. Mà nhóm này, đã cưỡng đoạt tài sản của rất nhiều doanh nghiệp. Hành vi phạm tội được thực hiện nhiều lần, trong một thời gian dài, cụ thể là từ năm 2020 đến năm 2022.

Với tình tiết như vậy và nếu ông Nhưỡng tham gia vụ này từ đầu, thì có lẽ, ông Nhưỡng không phải là phạm tội lần đầu. Nên, khả năng ông Nhưỡng được áp dụng Khoản 2, Điều 54 là rất khó xảy ra.

Thành tích xuất sắc trong công tác của ông Nhưỡng có được xem xét?

Cũng có một số bạn hỏi: Ông Lưu Bình Nhưỡng trước đây từng là đại biểu quốc hội, hiện tại cũng đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin tưởng giao giữ chức Phó Ban Dân nguyện. Có thể nói, ông Nhưỡng cũng có nhiều thành tích trong công tác. Như vậy, có thể nào ông Nhưỡng sẽ được xem xét xử nhẹ tội không.

Về nội dung này, chúng tôi xin có ý kiến trao đổi như sau. Trước hết, về tình tiết người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được quy định tại điểm v, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 54 Bộ luật hình sự, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật này.

Như vậy, thành tích xuất sắc trong công tác, cũng chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự giống như các tình tiết khác được quy định tại Khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự mà thôi, nó cũng không có ý nghĩa gì đặc biệt hơn trong việc định tội danh hay quyết định hình phạt.

Có thể bị tăng nặng trách nhiệm hình sự

Ngược lại, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền xác định được ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vị trí công tác, tầm ảnh hưởng của mình để phạm tội, thì ông này còn dính một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 52 Bộ luật hình sự.

Hiện tại, ông Lưu Bình Nhưỡng đang bị quy kết là đồng phạm trong tội cưỡng đoạt tài sản. Nếu đồng phạm này được xác định là đồng phạm có tổ chức, thì tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 52 hoàn toàn có thể được các cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng khi định tội danh và quyết định hình phạt đối với ông Nhưỡng.

Trên đây là toàn bộ phần trả lời của Luật Sư Việt Nam cho câu hỏi “cựu đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản như thế nào” của bạn đọc. Hi vọng, câu trả lời đã giúp mọi người nắm rõ được các quy định của pháp luật có liên quan.

Nếu có chỗ nào chưa hiểu hoặc cần Luật sư giải đáp thêm, quý bạn đọc có thể để lại bình luận hoặc tiếp tục gửi câu hỏi về cho Luật Sư Việt Nam để Luật sư nghiên cứu và giải đáp. Quý bạn đọc cũng có thể tìm hiểu thêm các nội dung khác có liên quan trên website này và trên kênh Youtube của chúng tôi.

Trân trọng kính chào!