Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ nuôi chó không nuôi nhốt chó cẩn thận, để chó tấn công gây thương tích cho người đi đường là câu hỏi của chị Nguyễn Lệ Hằng ở Ninh Bình gửi về cho Luật sư Việt Nam. Cụ thể câu hỏi của chị Hằng như sau:
Trên đường đi làm về, bố tôi bị con chó nhà hàng xóm đuổi theo xe. Quá sợ hãi, bố tôi đã mất lái và bị ngã xuống mương bên đường… Được mọi người kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu, nên hiện giờ bố tôi đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, hậu quả của sự việc khiến bố tôi bị gãy hai đoạn xương chân, gãy tay, và tổn thương nặng ở vùng đầu, tỷ lệ thương tật khoảng 30, đến 35%…
Công an đã mời các bên lên trao đổi về phương án bồi thường thiệt hại
Ngay sau khi sự việc xảy ra, công an xã đã đến gặp gia đình tôi và chủ của con chó kia để làm việc. Sau khi bố tôi tỉnh, công an cũng đã đến lấy lời khai. Hiện tại, bố tôi đã được ra viện, nhưng sức khoẻ còn rất yếu.
Cơ quan công an khuyên hai bên tự thoả thuận, giải quyết tình cảm với nhau. Hai bên nhất trí hoà giải. Tuy nhiên, phía nhà bên kia chỉ đồng ý hỗ trợ cho bố tôi 15 triệu đồng. Gia đình tôi không chấp nhận mức hỗ trợ này. Vì, hậu quả xảy ra với bố tôi là rất nặng, chi phí điều trị cho bố tôi cũng lớn hơn số tiền đó rất nhiều…
Sau buổi làm việc, một số người nói bóng gió với nhà tôi là, nên chấp nhận mức hỗ trợ mà nhà kia đưa ra, vì hậu quả chưa quá nghiêm trọng. Vậy nên, nếu có kiện tụng, thì bên kia cùng lắm cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính và mức bồi thường cho bố tôi cũng không cao hơn số tiền mà bên kia đã đưa ra là bao nhiêu.
Hiện tại gia đình tôi khá hoang mang, không rõ quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào. Kính mong Luật sư Việt Nam tư vấn, và hướng dẫn cho chúng tôi đường đi, lối lại.
Luật sư trả lời
Theo thông tin mà chị Hằng cung cấp, Luật sư Việt Nam hiểu rằng, toàn bộ diễn biến sự việc của gia đình chị, hiện tại đã được cơ quan chức năng làm rõ. Phía chủ của con chó kia cũng đã nhận thức được sai phạm của họ. Vấn đề còn lại, chỉ là trách nhiệm pháp lý của họ và mức bồi thường thiệt hại cho bố chị là như thế nào mà thôi.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ nuôi chó
Khoản 3, khoản 4, Điều 66 Luật chăn nuôi quy định: Chủ nuôi chó mèo, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; Phải bồi thường thiệt hại, nếu chó mèo tấn công, gây thiệt hại cho người, tài sản và vật nuôi khác.
Trường hợp chị Hằng hỏi, chủ nuôi chó đã không có biện pháp đảm bảo an toàn, như xích, nhốt chó, mà để chó tự do chạy ra đường, rượt đuổi bố chị, khiến bố chị bị ngã xe, gãy chân, gãy tay là đã vi phạm quy định của pháp luật. Do vậy, chủ nuôi chó phải bồi thường cho bố chị là điều không cần phải bàn cãi.
Nguyên tắc bồi thường, mức bồi thường và phương án bồi thường.
Điều 585, bộ luật dân sự quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
Thứ nhất: Nguyên tắc, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần, hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thế nào là thiệt hại thực tế?
Thiệt hại thực tế, có nghĩa là, phải có thiệt hại xảy ra, là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần.
Thiệt hại về vật chất, là tổn thất vật chất thực tế xác định được bao gồm: Tổn thất về tài sản mà không khắc phục được, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.
Thiệt hại về tinh thần, là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Quyền và lợi ích nhân thân khác mà nạn nhân, hoặc người thân của nạn nhân phải chịu.
Thứ hai, Nguyên tắc, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Thứ ba, Nguyên tắc, Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Thứ tư, Nguyên tắc, Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Thứ năm, nguyên tắc, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
Trường hợp của chị hỏi, do sức khoẻ của bố chị bị xâm phạm, vậy nên, mức bồi thường thiệt hại cho bố chị sẽ được xác định theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự. Cụ thể, các khoản bồi thường được xác định gồm.
Thứ nhất là. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút…
Thứ hai là: Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu thu nhập thực tế của bố chị không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại…
Thứ ba là. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cho bố chị trong thời gian điều trị. Nếu bố chị mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc bố chị.
Thứ tư là. Các thiệt hại khác do pháp luật quy định mà bố chị và gia đình chị có đủ căn cứ xác định, chứng minh thiệt hại.
Tổng hợp các quy định trên, chị Hằng có thể hiểu ngắn gọn là: Để xác định chính xác mức bồi thường mà bố chị được hưởng. Bố chị và gia đình chị cần phải tổng hợp lại toàn bộ hoá đơn, chứng từ của các khoản chi phí mà gia đình chị đã chi ra để cứu chữa cho bố chị. Cụ thể như: Hoá đơn mua thuốc, hoá đơn viện phí, mà gia đình chị đã nộp cho bệnh viện…
Bồi thường tổn thất về tinh thần
Ngoài các khoản bồi thường nói trên, theo quy định tại Khoản 2, Điều 590 Bộ luật dân sự, bố chị còn được bồi thường một khoản tiền tổn thất tinh thần, với mức bồi thường tối đa không quá 50 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định.
Ở thời điểm này (11/2023), mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng. Đối chiếu với quy định tại Khoản 2, Điều 590 Bộ luật dân sự, mức bồi thường tổn thất về tinh thần cho bố chị tối đa mà gia đình chị có thể yêu cầu là 90 triệu đồng.
Chị lưu ý, đây là mức tối đa mà gia đình chị có thể yêu cầu và cũng là mức tối đa mà cơ quan có thẩm quyền có thể phán quyết. Thực tế có thể không đến.
Trách nhiệm hình sự của chủ nuôi chó
Liên quan đến tỷ lệ thương tật của bố chị. Căn cứ vào kết luận giám thương tật của bố chị và căn cứ vào diễn biến cụ thể của sự việc, cơ quan có thẩm quyền còn có thể xem xét xử lý hình sự đối với chủ nuôi chó, nếu có đủ căn cứ luật định. Về vấn đề này, Luật sư Việt Nam sẽ có một bài phân tích riêng, để chị và quý thính giả tham khảo sau.
Trên đây là toàn bộ phần trả lời của Luật Sư Việt Nam cho câu hỏi của chị Nguyễn Lệ Hằng. Hi vọng, câu trả lời đã giúp chị hiểu được rõ được các vấn đề pháp lý mà chị đang thắc mắc.
Nếu có chỗ nào chưa hiểu, hoặc cần Luật sư giải đáp thêm, chị Hằng và Quý bạn đọc có thể để lại bình luận hoặc tiếp tục gửi câu hỏi về cho Luật Sư Việt Nam để Luật sư nghiên cứu và giải đáp thêm. Quý bạn đọc cũng có thể tìm hiểu thêm các nội dung khác có liên quan trên website này và trên kênh Youtube của chúng tôi.
Trân trọng kính chào!
More Stories
Thần chết gõ cửa gọi tên bà Trương Mỹ Lan
Truy tố cựu bí thư Lâm Đồng và nhiều cán bộ
Công an bắt giữ nhóm vệ sĩ ảo tưởng sức mạnh